Blog

3-D thực sự là gì?

07-04-2016 1811 lượt xem

Cùng tìm hiểu một cách rõ ràng và tổng quan nhất về công nghệ 3-D đang hot nhé. Toàn những thông tin đáng đọc cả đấy

Trong khoảng thời gian gần đây, nhất là kể từ sau sự xuất hiện của bộ phim được coi là “siêu phẩm của mọi thời đại”, Avatar, trào lưu phim 3-D đã phát triển một cách rầm rộ hơn bao giờ hết. Đi đến đâu cũng thấy người ta nói về nào là phim 3D, nào là về công nghê 3-D, nào là “giả” 3-D... Vậy thực chất phim 3-D là gì? Nó đã được làm ra như thế nào? Nó khác gì với phim 2-D truyền thống? Phim “giả” 3-D khác với phim 3-D “xịn” ở điểm nào? Hãy cùng Kênh14 tìm hiểu kĩ hơn về trào lưu này nhé.
 


Người người làm phim 3-D, nhà nhà xem phim 3-D!


Khái niệm về phim 3-D

Như nhiều người đã biết, 3-D thực ra là tên viết tắt của từ 3-Dimension (3 chiều). Kỹ thuật 3-D mà người ta vẫn sử dụng một cách phổ biến hiện nay thường đi liền với khái niệm “đồ họa 3D” - tức là những hình ảnh được dựng nên một cách sống động như thật với sự trợ giúp của các phần mềm đồ họa vi tính. Kỹ thuật này lần đầu tiên được biết đến trên màn ảnh vào năm 1995 với bộ phim hoạt hình nổi tiếng Toy Story (Thế giới đồ chơi) của hãng Walt Disney. Bộ phim này đã mở ra một thời kì mới cho thể loại phim hoạt hình không chỉ với những hình ảnh đẹp hơn, sinh động hơn, “ăn đứt” khi so sánh với các bộ phim hoạt hình 2D truyền thống, mà còn dần làm xoá nhoà đi khoảng cách giữa những  hình  ảnh “thật” và “giả” trên phim. Có thể kể đến một số bộ phim nổi bật cho thể loại 3D này như Shrek, Finding Nemo, The Incredibles, Happy Feet, Surf's Up… hay gần đây nhất làWall-E và Up.
 


Toy Story 3-D.


Tuy nhiên, dường như chưa cảm thấy thoả mãn với những gì đã có, các nhà làm phim vẫn quyết tâm mang đến cảm giác thật hơn cho người xem, muốn khán giả có thể tương tác được với bộ phim, tạo cảm giác giống như là được sống trong phim vậy. Vì lẽ đó mà công nghê Real 3-D – không gian ba chiều “thật” đã ra đời. Khác với công nghê phim 3D trước kia, vốn chỉ là những phim hoạt hình có các hình khối được dựng trong không gian ba chiều, nhưng nó vẫn bị giới hạn bởi không gian phẳng (2D) của màn hình, thì công nghệ Real 3-D làm cho người xem có cảm giác như những hình khối đó hoàn toàn thoát ra khỏi màn hình. Điều này khiến cho hình ảnh trên phim trở nên sâu và thật hơn rất nhiều.
 


Phim 3-D House of Wax ra đời từ năm 1953.


Bộ phim được coi là làm theo công nghệ 3-D đầu tiên đã ra đời vào năm 1953. Đó là bộ phimHouse of Wax của đạo diễn người Mỹ gốc Hungari, André de Toth. Nhưng chỉ đến cho tới khi bộ phim hoạt hình Chicken Little (2005) của hãng Walt Disney đạt được những thành công rực rỡ (thu về gần 100 triệu USD chỉ trong tháng công chiếu đầu tiên) thì công nghệ Real 3-D mới được các nhà làm phim chú ý đến. Nhận thấy được tiềm năng cũng như lợi nhuận khổng lồ mà những bộ phim 3-D này mang lại, các nhà làm phim Hollywood đã quyết định đầu tư lớn hơn vào công nghệ 3-D. Và quả thật, những thành công sau đó đã cho thấy những sự mạo hiểm là hoàn toàn sáng suốt:Ice Age 2 có doanh thu gần 200 triệu USD chỉ riêng tại Mỹ, Shark Tale thì thu về 363 triệu USD,Madagascar đạt 525 triệu USD ở thị trường Mỹ... Tuy nhiên đó vẫn chỉ là những bộ phim hoạt hình 3-D. Thế còn những bộ phim 3-D do người thật đóng thì sao???
 


Chicken Little giúp vực dậy trào lưu 3-D.


Chính vì nhận thức được điều này mà đạo diễn lừng danh James Cameron đã quyết định cho thực hiện dự án Avatar vốn đã ấp ủ gần 11 năm trời của mình. Khác với những bộ phim hoạt hình 3-D trước đó chỉ dựng hoàn toàn bằng máy tính, James Cameron đã sử dụng một loại máy quay phim kĩ thuật số 3-D tiên tiến có hai ống kính song song, có thể định vị được những tiêu điểm khác nhau, thích hợp với từng địa hình quay và những hình ảnh này được sẽ được hiện ngay trực tiếp trên máy tính để có thể chỉnh sửa một cách tùy ý.
 




Ống kính hoành tráng giúp quay phim Avatar.


Có thể nói chính nhờ phương pháp này mà bộ phim Avatar đã trở thành một trong những người đi tiên phong mở ra “một trang sử mới cho lĩnh vực điện ảnh”.

Nguyên lí hoạt động của 3-D?

Các bộ phim được làm theo công nghệ 3-D nói chung đều dựa theo nguyên lí sự tạo ảnh 3 chiều từ hai mắt, sự chìm hay nổi của một vật phụ thuộc vào cách nhìn người quan sát. Chẳng hạn khi nhìn hai hình ảnh của một vật sát cạnh nhau, nếu như mắt trái nhìn vào ảnh bên phải còn mắt phải nhìn vào ảnh bên trái, thì ta sẽ cảm tưởng như vật đó đang nổi ra khỏi khung hình. Và ngược lại thì vật đó sẽ “lõm” xuống.
 


Lợi dụng điều này, các nhà làm phim 3-D sẽ quay thành hai phim, từ hai góc nhìn khác nhau tương ứng với hoạt động của hai con mắt. Những hình ảnh này khi qua não bộ, chúng sẽ chập lại tạo thành những hình ảnh không gian ba chiều. Và vì kĩ thuật 3-D này chủ yếu là dựa vào sự tổng hợp ảnh từ 2 mắt tạo nên nên những người có tật về mắt sẽ khó có thể xem được những bộ phim 3-D.

Kỹ thuật quay phim 3-D

Vậy một bộ phim 3-D sẽ được quay như thế nào? Đầu tiên, như đã biết, người ta sẽ sử dụng một camera khổng lồ trang bị hai ống kính lệch pha (một dành cho mắt trái và một cho mắt phải) để ghi hình cùng lúc từ hai góc nhìn, trên hai cuốn phim khác nhau.
 


Hình ảnh 3-D khúc xạ qua mắt người.


Sau đó khi đưa vào phòng chiếu, người ta sử dụng máy chiếu phim có hai ống kính, qua đó chuyển tải hai băng hình khác nhau. Một thiết bị đặc biệt đưa lên màn ảnh quang cảnh dành cho mắt trái và mắt phải cùng lúc để tạo nên ảnh 3 chiều. Tuy nhiên, khán giả sẽ không thể xem được những hình ảnh này ngay vì chúng sẽ xuất hiện rất nhòe trên màn ảnh, mà bắt buộc phải mang một cặp kính làm bằng chất liệu đặc biệt (thường là bằng thủy tinh lỏng). Sau đó, qua một tín hiệu hồng ngoại đồng bộ với máy chiếu phim chiếu từ xa sẽ làm một bên mắt kính bị mờ và bên kia trong suốt, khi đó người xem mới cảm nhận được những hình ảnh 3 chiều trên màn ảnh.
 


Avatar hoành tráng gấp 3 phim 3-D thường.


Tuy nhiên, trong Avatar, đạo diễn James Cameron còn đưa ra ý tưởng khác khi dùng ba màn ảnh rộng, tạo thành một đường cong khổng lồ bao trùm cả tầm nhìn. Mỗi màn ảnh đó sẽ được chiếu bằng loại phim 65mm, nghĩa là gấp đôi loại phim nhựa 35mm vẫn thường dùng, để có được ảnh to, rõ và sáng hơn. Ngoài ra sẽ có tổng cộng sáu máy chiếu phim tạo ra sáu góc nhìn khác nhau, tay vì 2 máy chiếu như bình thường để tạo ảo giác hoàn hảo và phim cũng được chiếu với tốc độ nhanh hơn 30 ảnh/giây thay vì 24 ảnh/giây làm cho chuyển động của các nhân vật trong phim cũng trở nên nhuần nhuyễn hơn.
 


James Cameron và Sigourney Weaver xem phim 3-D.


Do có sự phức tạp, đòi hỏi đến các kĩ thuật hiện đại đến như vậy nên việc làm nên các bộ phim 3-D quả thật rất “nặng đô-la”. Chính vì thế nên các nhà làm phim đã nghĩ ra được một phương pháp khác có thể tiết kiệt được một khoản chi phí lớn, đó là bằng cách chuyển đổi những bộ phim dạng 2-D (phẳng) sang 3-D (nổi), hay người ta vẫn thường gọi đùa là phim "giả 3-D". Có thể kể tên đến hai bộ phim dạng 2-D chuyển đổi sang 3D gần đây nhất là Alice in Wonderland và Clash of the Titans.
 

 
Phim 2D convert 3D như thế nào?

Để chuyển một bộ phim 2-D thành 3-D trước tiên người ta phải xác định độ sâu của ảnh và đối tượng mình định làm, xem cái nào sẽ đặt trước, cái nào đặt sau, chỗ nào cần nổi lên và chỗ nào sẽ phải chìm xuống. Sau đó người ta sẽ cắt ảnh và kéo dãn bóng về bên phải cảnh nền nhằm để tạo ra hình ảnh dành cho mắt trái, rồi tương tự lại sao chép hình ảnh đó nhưng kéo lệch về bên trái để tạo ra hình ảnh cho mắt phải. Khoảng giữa hai hình ảnh này, người ta sẽ chèn vào đó các hình ảnh tổng hợp dạng hình khối và phải làm như thế liên tục 24 lần/giây mới tạo được hình ảnh nổi.
 




Phim từ 2-D chuyển đổi sang 3-D không thể đẹp như phim 3-D xịn.


Nghe có vẻ dễ như vậy song nếu muốn chuyển đổi một bộ phim “phẳng” sang “nổi” cũng  phải cần đến hàng trăm chuyên gia vi tính và cũng tiêu tốn một con số chi phí không nhỏ, dù tất nhiên là vẫn thấp hơn nhiều so với làm phim 3-D thật. Có điều, tất nhiên là do “tiền nào của nấy” nên phim "giả 3-D" khó có thể so bì về độ thật và có những hình ảnh nổi rõ như 3-D xịn được.

Các dạng công nghệ 3-D

Hiện nay trên thế giới, có rất nhiều loại công nghê Real 3-D như Anaglyph, Real D, Dolby, Prisma… nhưng phổ biến nhất và thường dùng trong các rạp chiếu phim nhất vẫn là hai công nghệ Dolby và Real D.
 


Rạp dùng công nghệ Real D.


Công nghê Real D dựa theo nguyên lý phân cực để tạo hiệu ứng nổi 3D, bao gồm hai máy chiếu giống hệt nhau đươc đồng bộ hóa, phân cực hóa, và cùng chiếu lên một màn ảnh (phủ một chất liệu đặc biệt chống khử cực, thường là một lớp bạc) nhằm làm giảm độ sáng cho phim.
 


Rạp dùng công nghệ Dolby thông thường.


Trong khi đó, ưu thế của công nghệ Dolby so với Real D chính là Dolby dễ lắp đặt, hoàn toàn có thể chiếu được ngay trên màn hình trắng thông thường và kính đeo có thể tái sử dụng nhiều lần (trong khi kính dùng cho công nghệ Real-D chỉ có thể sử dung 1 lần). Ngoài ra có thể kể đến công nghê Imax 3D dành chiếu riêng cho những rạp Imax có kích thước hình vòm khổng lồ ngang bằng một tòa nhà.
 


Rạp IMAX.

Hay là công nghệ Anaglyph thường dùng ở các rạp chiếu phim tại gia bằng các loại kính khá phổ biến trên thị trường như Anaglyph Red/Cyan (Đỏ/Xanh) và Anaglyph Green/Magenta (Hồng/ xanh dương).
 



Đeo kính này sẽ xem được 3-D tại nhà.

Với số lượng phong phú các công nghệ 3-D đến như vậy, Kênh 14 không thể đưa hết tất cả vào trong cùng một bài viết. Do đó, Kênh 14 chỉ mong sẽ góp phần giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn một chút về tổng quan công nghệ phim 3-D với bài viết này. Việc trang bị cho mình một số kiến thức nhất định về 3-D để tránh nhầm lẫn và thưởng thức trọn vẹn một bộ phim 3D cũng là một việc rất nên làm phải không các bạn?

CÙNG LOẠI

20
Tháng 10

Pixar, Intel, RackSaver hợp tác sản xuất phim hoạt hình kỹ thuật số

Hãng phim hoạt hình Pixar Animation Studios đưa ra công bố về việc cộng tác với công ty Intel và Racksaver để tạo ra một trong những tổ hợp máy tính mạnh nhất tổ hợp kết xuất hình 3D được dùng để tạo ra hình ảnh kỹ thật số cho…

08
Tháng 12

Disney tung dịch vụ xem phim trực tuyến DisneyLife, Netflix có e ngại?

Bắt đầu từ tháng tới, người dân tại Anh và sau đó là toàn châu Âu, sẽ có thể đăng ký dịch vụ DisneyLife đáp ứng nhu cầu xem phim online, đặc biệt là các bộ phim của hãng.

29
Tháng 12

Những “Stylist” của nàng Elsa, Anna, Ariel trong phim Walt Disney

Không phải hẳn nhiên mà các nhân vật hoạt hình trong phim của Walt Disney đều mang một sức hút đặc biệt đối với khán giả. Đằng sau sự lung linh của nhân vật có bàn tay của những ai ? Cùng tìm hiểu nhé.