Blog

PHIM HOẠT HÌNH GHIBLI: THE TALE OF PRINCESS KAGUYA – CỔ TÍCH VỀ NỖI BUỒN NGÀN ĐỜI

02-03-2016 2294 lượt xem

Với phong cách kể chuyện tinh tế, dung dị đã làm nên thương hiệu cho Ghibli, đạo diễn kỳ cựu Isao Takaha đã đưa đến một kiệt tác về nỗi buồn nhân sinh với The Tale of Princess Kaguya.

 

phong cách phim hoạt hình của Ghibli

The tale of Princess Kaguya là câu chuyện cổ tích nổi tiếng về nàng tiên ống tre đã rất quen thuộc với những người yêu thích văn hoá Nhật Bản. Bản phim hoạt hình đã làm sống lại câu chuyện dân gian trong một màu sắc tươi mới, gần gũi hơn nhưng vẫn giữ nguyên được giá trị tinh thần ngàn đời cùng ý nghĩa về nhân sinh quan không bao giờ cũ của nước Nhật.

Một người nông dân già hiếm muộn sống cùng vợ của mình ở miền quê yên bình, một hôm khi vào rừng chặt tre, ông thấy một đốt tre phát sáng và nở bung ra một bé gái tí hon. Ông liền mang bé về nhà nuôi nấng chăm sóc, bé gái lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc đã bằng những đứa trẻ khác. Cô bé luôn hiếu kỳ khám phá mọi thứ xung quanh và trở nên thân thiết với bọn trẻ trong làng. Không lâu sau đó, ông lão lại bất ngờ tìm được một đốt tre chứa đầy vàng. Nghĩ rằng đây là điều ơn trên ban cho để con gái ông có thể thực sự trở thành nàng công chúa như ông vẫn thường gọi, ông đã mua một lâu đài ở kinh đô để đưa con gái và vợ vào ở.

2

Cô bé Kaguya từ một bé gái thôn quê dân dã bỗng chốc trở thành nàng công chúa vương giả, sung túc. Tuy sống trong ngọc ngà nhung lụa nhưng Kaguya vẫn luôn đau đáu thương nhớ về cuộc sống vô tư hồn nhiên nơi làng quê thành bình yên ả trước đây. Trái tim cô gái dần trở nên buồn bã âu sầu vì bị trói chặt bởi những lễ nghi quy tắc của chốn cung đình.

Cũng giống như với hầu hết các câu chuyện cổ dân gian Nhật Bản, Công chúa ống tre dù kỳ ảo huyền bí vẫn chứa đựng đầy đủ bức tranh hiện sinh với những nỗi buồn số phận. Nàng Kaguya ôm trong lòng nỗi cô độc, lạc lõng giữa cung điện hoa lệ mà thương nhớ về một niềm hạnh phúc mong manh trong quá khứ, để rồi một đêm trăng trở về với đất trời vô định. Câu chuyện nên thơ chứa đựng một nỗi buồn khắc khoải về kiếp người phù du, về thời gian hữu hạn, về sự được – mất, hạnh phúc – khổ đau. Nàng công chúa xinh đẹp dù bị giày vò bởi đau buồn nơi hạ giới vẫn không muốn quay về Mặt Trăng, vẫn luôn lưu luyến trần thế nhiều bi ai. Phải chăng bức tranh tươi đẹp nhất của cuộc sống là được hoạ bằng cả niềm vui lẫn nỗi buồn, một sự tồn tại chỉ thực sự có ý nghĩa khi cảm nhận được cả niềm hạnh phúc lẫn nỗi đớn đau?

3

Ấp ủ ý tưởng cho The Tale of Princess Kaguya suốt 14 năm ròng rã, đạo diễn tài năng Isao đã thực sự làm nên một tuyệt tác để đời. Điều mà ông đã thành công, không phải chỉ là giữ gìn được tinh thần của một câu chuyện cổ xưa cũ bằng ngôn ngữ điện ảnh, mà còn giữ được cả tinh thần quốc hồn quốc tuý của người Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, có một cụm từ là Mono no aware để chỉ về cảm giác tiếc nuối đọng lại trong một khoảnh khắc ngắn ngủi mà đi vào vĩnh cửu, một vẻ đẹp mong manh mà rung cảm mãnh liệt. Đây là nét văn hoá truyền thống được nâng niu bởi rất nhiều loại hình nghệ thuật từ thi ca đến hội hoạ của nước Nhật. Và đạo diễn Isao đã sử dụng cái tinh tuý của thi ca và hội hoạ đấy để làm linh hồn cho The Tale of Princess Kaguya.

Bộ phim dùng lối hội hoạ truyền thống của Nhật với màu nước loang và các nét chấm phác phóng khoáng, bay bổng. Những gam màu tươi sáng, trong trẻo nhoà vào nhau trong một khung hình tạo sự mềm mại, duyên dáng cho các chuyển động. Chủ thể con người luôn hoà hợp với cảnh sắc thiên nhiên, trở thành một phần của thiên nhiên tuyệt đẹp. Không cần tỉa tót trau chuốt, mọi chi tiết nhỏ từ chiếc lá cho đến cánh hoa đều như có linh hồn riêng, và chúng sống động trong một thế giới riêng vừa hư vừa thực. Đặc biệt, bộ phim sử dụng cách xếp 12 hình/giây với nhịp điệu khoan thai, uyển chuyển, cả đất trời trong phim dường như cũng đang quay theo một vũ điệu chậm rãi huyền ảo trong những phân cảnh nhân vật lướt đi qua núi đồi hay thả mình bay theo hoa cỏ.

4

Chất hội hoạ truyền thống vừa khuôn thước vừa phóng khoáng được nâng đỡ bởi những giai điệu lững lờ trầm bổng của âm nhạc Joe Hiraishi. Joe là nhà sản xuất âm nhạc quen thuộc của Ghibli, người đã ghi dấu ấn trong nhiều tác phẩm thành công của hãng phim bằng chất nhạc bảng lảng trầm buồn gợi nhiều cảm xúc. Chất nhạc, chất hoạ có lúc như tan vào nhau, có lúc lại chơi vơi ngưng đọng trong một khuôn hình tĩnh tại.

Bằng thủ pháp mộc mạc, dung dị, đạo diễn Isao đã hoạ nên một kiệt tác về nỗi buồn ngàn đời trong những triết lý nhân sinh đầy rung cảm. Bộ phim đã vượt xa nhiệm vụ kể lại một câu chuyện cổ tích, trên hết nó tôn vinh vẻ đẹp tự thân của hiện thực với đầy đủ mọi khía cạnh hạnh phúc hay khổ đau, mà trong kiếp người sẽ có lúc chúng ta nhận ra đó là một vẻ đẹp mong manh tiệm cận với hoàn mỹ.

CÙNG LOẠI

16
Tháng 9

‘Trolls’: Khi cây cỏ cùng nhau cover ‘The Sound of Silence’

Nào cùng nghe các nhân vật trong phim hoạt hình Trolls cover bài hát ‘The Sound of Silence’ của Simon & Garfunkel.

06
Tháng 5

PHIM HOẠT HÌNH THE SECRET OF KELLS: NGHỆ THUẬT LÀ ÁNH SÁNG RỰC RỠ NHẤT ĐẨY LÙI MAN RỢ

Phim hoạt hình The Secret of Kells đã mở ra thế giới thần thoại tráng lệ, huyền bí của vùng Bắc Âu với những ngụ ngôn về kho báu vĩnh cửu có sức mạnh soi sáng là nghệ thuật.

29
Tháng 6

Kỵ Sĩ Bóng đêm cô độc trong "LEGO Batman Movie"

Trailer đầu tiên của phim hoạt hình "LEGO Batman Movie" tiết lộ cuộc sống thường nhật đầy đơn điệu của chàng Kỵ Sĩ Bóng đêm tí hon.