Blog

SÓC CHUỘT DU HÍ: ÂM NHẠC XUẤT SẮC ‘ĐÈ BẸP’ MỌI ĐIỂM YẾU NỘI DUNG

03-02-2016 3164 lượt xem

Phần 4 của loạt phim về Alvin và những chú sóc chuột mang tên Sóc chuột du hí đưa người xem đến với một hành trình du ngoạn đỉnh cao bằng âm nhạc, và cũng nhờ yếu tố điểm mạnh này, ekip làm phim có thể phần nào làm khán giả “quên” đi cốt truyện hời hợt vô lý.

 

poster sóc chuột du hí

Phần 4 của series phim ca nhạc về 3 chú sóc chuột Alvin, Simon và Theodore đã quay trở lại màn ảnh rộng với tên Sóc chuột du hí. Với loạt hoạt động quảng bá được đẩy mạnh hết cỡ trước khi phim ra rạp, Alvin and the Chipmunks đã có không ít sự chú ý của cả khán giả nhỏ tuổi lẫn lớn tuổi. Nhưng không ngạc nhiên rằng ngoài một “bữa tiệc” âm nhạc xuất sắc thì các chú sóc chuột chưa thực sự làm hài lòng người xem. Có vẻ như giờ đây ekip làm phim đã quyết định đầu tư gần hết kinh phí và chất xám chỉ cho phần nhạc phim mà thôi.

Sóc chuột du hí quay lại với cuộc sống của bộ 3 ban nhạc Chipmunks với Dave _ người bảo hộ của mình, một nhà sản xuất âm nhạc. Sau khi phá “tanh bành” nhà của Dave với một bữa tiệc ngoài mong muốn, cả 3 được thông báo rằng Dave sẽ đi đến Miami cho dự án âm nhạc mới. Bên cạnh đó, Alvin, Simon và Theodore cũng được ra mắt “mẹ kế” là Samatha và cậu con trai tuổi teen Miles. Trong khi Samatha rất dễ chịu thì Miles đúng là một cơn ác mộng với 3 chú sóc chuột. Để ngăn chặn việc Dave cầu hôn Samatha, 3 người bạn đã hợp tác cùng Miles trong một hành trình cực kỳ vất vả từ Los Angeles đến Miami, bám theo cả nhóm là một tay cảnh sát hàng không tâm thần ghét cay sóc chuột.

2

Điều đầu tiên có thể nhận xét về The Road Chip đấy là không khí vui nhộn phấn khích đến từ loạt nhạc phim đã tai. Hành trình xuyên nước Mỹ của 3 chú sóc chuột và Miles cũng chính là một cuộc du ngoạn trải nghiệm âm nhạc đầy màu sắc. Ngay từ đầu phim khán giả đã được “làm nóng” với một bản nhạc dance đầy sôi động cùng vũ điệu bắt mắt của Juicy Wiggle. Bạn nhạc sóc chuyện liên tục cống hiến khán giả những sân khấu âm nhạc đầy hứng khởi từ nhạc dance, điện tử, funk cho đến pop rock. Bộ phim cũng đưa người xem về lại với không khí của nước Mỹ trong những giai đoạn hoàng kim của nhạc pop với các ca khúc vui tươi nổi tiếng như Iko Iko, South Side. Âm nhạc không chỉ được dùng để tạo không khí sôi động và giúp ban Chipmunk “khoe giọng” mà còn được sử sụng khéo léo để tạo sự dí dỏm, hài hước. Chắc chắn không ai có thể quên được phân đoạn hành động trên nền nhạc phim kinh điển cực ngầu mà vẫn duyên dáng của huyền thoại viễn Tây The Good, The Bad, and the Ugly.

Tuy vậy, nói đi cũng phải nói lại, khi tạm gác những sân khấu biểu diễn hoành tráng và đã tai đi thì người xem sẽ thực sự thấy thất vọng với cốt truyện của phần 4 này. Sự đơn giản đến mức vô lý của câu chuyện mang đến cảm giác đây là một kịch bản chỉ dành cho trẻ con mẫu giáo, tuy nhiên những màn “ăn chơi đập phá” cùng hình ảnh của những cô nàng nóng bỏng thì lại không thích hợp dành cho bất kỳ một em bé nào. Vậy nên người xem sẽ có chút “bối rối” với sự nghịch lý rất vô duyên này.

3

Nửa đầu bộ phim kéo dài các tình tiết phụ thừa thãi dẫn đến nửa cuối phim diễn biến bị đẩy nhanh đến mức dễ dãi, mọi rắc rối có thể giải quyết chỉ trong một vài tình huống đơn giản đến khó tin. Không chỉ vậy, phim còn đầy rẫy những chi tiết vô lý như viên cảnh sát ghét 3 chú sóc chuột chỉ vì… bị bạn gái đá trong lúc đang bật nhạc của nhóm và không giải thích vì sao ban nhạc Chipmunk ngừng biểu diễn.

Cốt truyện hời hợt, dễ dãi một phần cũng là bởi màn trình diễn rất đáng “lên án” của dàn diễn viên. Ngoài 3 chú sóc chuột, dàn nhân vật con người hoàn toàn mờ nhạt. Nhân vật con người được xuất hiện nhiều nhất là chàng trai trẻ Miles (Josh Green) cũng chưa thật chắc tay trong diễn xuất, các phân đoạn thay đổi tâm lý hay thể hiện cảm xúc diễn chưa tới nên khiến mọi diễn biến câu chuyện trở nên thiếu thuyết phục. “Công chúa Disney” Bella Thorne cũng sắm một vai khách mời với hình ảnh được quảng bá rất nhiều trước khi bộ phim ra rạp hoá ra chỉ xuất hiện vài phút, nói vài lời thoại đơn giản, đóng vai một thần tượng nổi tiếng mà thậm chí không hát đoạn nhạc nào. Có lẽ, đã mất công với công nghệ CG để dựng nên tuyến nhân vật sóc chuột dễ thương, sinh động, nên ekip làm phim tận dụng hết cỡ luôn khỏi đầu tư cho dàn nhân vật con người.

4

Điểm sáng bù lại cho phim là xây dựng tốt mối quan hệ cha – con của Alvin, Simon, Theodore và Dave. Dù không phải là con người nhưng 3 chú sóc chuột “phá làng phá xóm” vẫn được Dave hết lòng yêu thương bảo vệ theo cách mà một người cha yêu những đứa con của mình: chiều chuộng một chút, nghiêm khắc một chút và vị tha, khoan dung với mọi trò phá phách của con. Chính tình cảm rất đỗi đáng yêu này đã khiến bộ phim có “hồn” hơn những lúc âm nhạc đã ngừng chơi.

Dù không được đánh giá cao về mặt nội dung, Sóc chuột du hí vẫn là một tác phẩm vui nhộn rất giải trí mà bạn có thể xem với cả gia đình và cùng nhau nhún nhảy theo những giai điệu hay “quên sầu”.

 

Trailer Alvin and the Chipmunk: Sóc chuột du hí

CÙNG LOẠI

21
Tháng 8

TRỞ VỀ THỜI TIỀN SỬ CÙNG CUỘC PHIÊU LƯU CỦA NHÀ CROODS

“The Croods – Crood” là bộ phim hoạt hình với định dạng 3D về cuộc phiêu lưu hài hước của gia đình Croods. Lấy bối cảnh xoay quanh một gia đình ở thời tiền sử, khi hang động, vốn là nơi sinh sống của họ bị phá hủy, gia đình…

06
Tháng 5

PHIM HOẠT HÌNH THE SECRET OF KELLS: NGHỆ THUẬT LÀ ÁNH SÁNG RỰC RỠ NHẤT ĐẨY LÙI MAN RỢ

Phim hoạt hình The Secret of Kells đã mở ra thế giới thần thoại tráng lệ, huyền bí của vùng Bắc Âu với những ngụ ngôn về kho báu vĩnh cửu có sức mạnh soi sáng là nghệ thuật.

25
Tháng 9

Công chúa Mononoke

Công chúa Mononoke là một trong những anime xuất sắc của Miyazaki Hayao do hãng Ghibli sản xuất năm 1997. "Mononoke" không phải là một cái tên, đây là cách gọi chung trong tiếng Nhật có nghĩa là ma quỷ hay quái vật, ở đây có thể hiểu là "linh…