Blog

Ghibli: Nhà máy sáng tạo giấc mơ Nhật Bản

01-09-2015 3076 lượt xem

Không có người hùng hay kẻ xấu trong tác phẩm của Studio Ghibli – chỉ có phép màu, điều kỳ diệu của đời thường, và tình yêu.

Điều đầu tiên bạn nhận thấy khi xuống tàu ở ga Mitaka - vùng phụ cận phía đông Tokyo, là mùi bánh nướng pha trộn với khói thuốc lá ngọt ngào, kỳ lạ lan tỏa từ tiệm cà phê ngay bên kia quầy bán vé. Điều thứ hai bạn nhận thấy là một chú gấu bông đặt trên quầy thông tin du lịch, và đó là lúc bạn biết mình đã đến đúng chỗ.

Món đồ chơi là chú gấu bông Totoro: một sinh vật giống cú với bộ lông xám xanh, tai nấm, lai với một con mèo Xiêm toe toét và vóc dáng hình quả trứng Phục sinh. Totoro là sáng tạo nổi tiếng nhất của Studio Ghibli - hãng phim được thành lập năm 1985 bởi hai đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng Miyazaki Hayao và Takahata Isao. Studio Ghibli có 300 họa sĩ, biên kịch và nhạc sĩ, được đặt ở ngoại ô Tokyo. Hãng Ghibli được đánh giá là đầu đàn của ngành công nghiệp anime Nhật Bản. Các bộ phim của hãng vừa được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, vừa đạt được doanh thu rất cao tại Nhật.


My Neighbour Totoro, Castle in the Sky, Kiki’s Delivery Service, Grave of the Fireflies: các phim của Ghibli dệt nên những câu chuyện về phù thủy và rôbôt, đưa bạn lao vùn vụt vào những thế giới kỳ ảo,  những vùng đất hoang tàn vì chiến tranh, nhưng không quá xa cách về mặt tinh thần với những loạt phim hoạt hình nhặng xị dài hơi mà phương Tây thường gắn cho Nhật Bản.

Trong phim Ghibli, rôbôt có thể là người làm vườn trên một hòn đảo nổi; là nữ phù thủy trẻ chạy việc vặt cho một thợ làm bánh.

Hãng phim luôn luôn tìm cảm hứng từ phương Tây và chuyển thể thành những bộ phim hoạt hình: những quyển sách của Mary Norton, Diana Wynne Jones và Ursula K Le Guin đều được chuyển thể thành phim Ghibli, và những câu chuyện của họ có thể chịu ảnh hưởng bởi văn hóa dân gian châu Âu cũng như văn hóa truyền thống Nhật Bản.

Sự thú vị đó – hay có lẽ là sự đối lập – ăn sâu vào nền tảng của hãng phim. Các nhà sáng lập Ghibli, Hayao Miyazaki (hiện 72 tuổi) và Isao Takahata (77 tuổi), đặt tên cho hãng từ tiếng Ảrập nghĩa là gió nóng, từ Sa mạc Sahara thổi qua Địa Trung Hải. Trong buổi ban đầu họ gọi tên hãng là “Ji-bli”, cách phát âm sai của từ đó. Đấy là năm 1985, khi cả hai ông hy vọng đưa luồng sinh khí mới vào ngành hoạt hình cũ kỹ của Nhật Bản, tuy nhiên người đã làm cho hãng phim này trở nên đồng nghĩa với tên mình chính là Miyazaki.

Ông đắm chìm trong thế giới điện ảnh, và đã gọi chủ nghĩa Tân hiện thực của Ý là ảnh hưởng then chốt bên cạnh các bậc thầy Yasujiro Ozu và Kenji Mizoguchi, cùng các nhà hoạt hình theo chủ nghĩa biểu hiện như Yuri Norstein và Frédéric Back. Bộ phim Disney yêu thích của ông không phải là Snow White hay The Lion King, mà là một phim ngắn sầu thảm năm 1937 có tựa đề The Old Mill, trong đó các sinh vật trong rừng chạy nhốn nháo và bay tán loạn qua một cối xay gió bỏ hoang. Các phim của chính Miyazaki phản ánh gu của ông: ông có sự nhạy bén của Norstein về tạo bí ẩn, nhạy cảm của Back đối với thiên nhiên, cảm nhận của Ozu về cuộc sống gia đình, sự cảm thông của Mizoguchi dành cho phụ nữ. (Các nhân vật phức tạp nhất của Miyazaki thường là những cô gái bướng bỉnh ở độ tuổi từ 5 đến 11.) Và như những nhà Tân hiện thực, các câu chuyện của ông lúc nào cũng đương thời, tuy cường điệu. Bề mặt, Ponyo (2008) là câu chuyện cổ tích tươi sáng về một con cá vàng biến thành một cô bé, nhưng sâu hơn phim nói về việc tìm kiếm sự cân bằng giữa các tác lực xem ra không thể hòa giải – thiên nhiên và công nghiệp, đam mê và trách nhiệm, thậm chí tình cảm dành cho gia đình và tình yêu dành cho bạn tâm giao.

Làn gió mang lại sức sống mới của Ghibli tiếp tục thổi đến tận ngày nay, dù bạn không thể cảm nhận được hoàn toàn trong vùng đất Mitaka, nơi đây không khí yên tĩnh và mát mẻ. Bên ngoài nhà ga bạn thấy Tamagawa Josui, đường ống cấp nước cũ kỹ cây cối mọc um tùm, và sau 15 phút đi theo đường ống này qua các cửa tiệm thời trang nhỏ và quán cà phê ven đường, bạn đến được Bảo tàng Ghibli, một tòa nhà tương đương những gian triển lãm nghệ thuật, nhà cười, và thánh đường cho các tác phẩm của hãng phim.

Bên trong, bạn khám phá những căn phòng chứa những cỗ máy kỳ cục của Rube Goldbergian miêu tả quá trình làm phim hoạt hình và bóc trần phép thuật của quá trình đó, trước khi trèo lên cầu thang xoắn ốc bằng kim loại và bước vào phòng họa sĩ đầy ắp những bản vẽ và phân cảnh từ những bộ phim được yêu thích nhất của Ghibli.

Ở tầng trệt có một phòng chiếu, bạn có thể xem các phim ngắn hiếm khi có bao giờ được trình chiếu bên ngoài bốn bức tường của bảo tàng này. Trên mái có một mô hình rôbô cao gần 5,5 mét từ bộ phim Castle in the Sky (1986), phim dài đầu tiên của hãng. Vé tham quan bảo tàng, phải mua trước ba tháng, được làm từ giấy can vẽ hoạt hình. Cà phê có váng bọt hình các nhân vật hoạt hình.

Tình yêu dành cho Ghibli của tác giả bài viết xuất phát từ một dịp may bắt gặp Castle in the Sky, tác giả đã xem phim này trên tivi hồi tám tuổi. Hình ảnh rôbô trong vườn thấm vào tâm trí tác giả một nỗi kính sợ khô khốc cổ họng: sao mà yên bình và nên thơ quá, và không giống bất cứ phim hoạt hình nào tác giả từng xem. Ở tuổi lên tám tác giả không biết tựa của bộ phim hay làm sao để xem lại lần nữa, và khi thuê Castle in the Sky 10 năm sau đó và từ từ nhận ra mình đã xem phim này rồi, tác giả đã há hốc miệng sững sờ. Khi tác giả tự mình làm cuộc hành hương đến Mitaka năm 2012 và ngắm nhìn rôbô trên mái nhà, cảm giác như thể trở lại thời tiểu học.

From Up on Poppy Hill là phim truyện dài thứ 17 của Ghibli. Khi xem phim này, tác giả cảm nhận một sự pha trộn giữa quen thuộc và lạ lùng tương tự như đã có với Castle in the Sky hơn hai thập niên trước.

Phim kể câu chuyện hai cô cậu mới lớn ở Sixties Yokohama thuyết phục bạn cùng lớp giúp tân trang lại câu lạc bộ của trường đã xập xệ. Cốt truyện thoạt có vẻ khiêm tốn, nhưng như những phim hay nhất của Ghibli, From Up on Poppy Hill tiết lộ phép màu của chuyện đời thường, và bạn có thể cảm thấy đôi mắt và tâm hồn mình rộng mở trong khi xem phim. From Up on Poppy Hill do Goro Miyazaki, con trai lớn của Hayao, đạo diễn. Đây là phim thứ hai của Miyazaki trẻ; phim đầu của anh, cuộc phiêu lưu kỳ ảo Tales From Earthsea (2006), là phim gây tranh cãi nhất trong lịch sử của hãng.

Toshio Suzuki, một nhà sản xuất lâu năm ở Ghibli, đưa Goro làm đạo diễn bất chấp anh thiếu kinh nghiệm liên quan: anh được đào tạo làm một nhà ngoại cảnh đô thị trước khi làm nhà thiết kế, rồi điều hành Bảo tàng Ghibli. Cha anh công khai chỉ trích quyết định này, thúc đẩy Goro trả đũa trên blog của anh: “Với tôi, Hayao Miyazaki được 0 điểm làm cha nhưng điểm tối đa trong vai trò đạo diễn phim hoạt hình.” Thật khó tưởng tượng cảnh mở đầu phim, một hoàng tử trẻ bất hạnh giết cha, đã làm nguôi đi mọi chuyện.

Vào ngày ra mắt, Tales From Earthsea không được giới phê bình ở Nhật và những nơi khác mặn mà đón nhận, dù phim có những người bênh vực trung thành. Tác giả bài viết không nằm trong số đó. Cách giải thích đơn giản nhất về thất bại của bộ phim cũng là cách giải thích gây tàn phá nhất: không có cảm giác đây là một phim của Ghibli. Thế mới nói, đối với Goro kinh nghiệm này rõ là đáng giá. From Up on Poppy Hill là một tác phẩm hoàn thiện hơn xa so với Earthsea; nhỏ hơn, có lẽ, nhưng sâu sắc hơn rất nhiều, và tiếp cận được cả 'fan' Ghibli lâu năm lẫn người mới.

Trong khi đó, Miyazaki già đang làm The Wind Rises, phỏng theo cuộc đời của nhà thiết kế máy bay quân sự thời Thế chiến thứ 2. Đây là một chủ đề bất ngờ cho một phim hoạt hình kể cả theo chuẩn Ghibli, nhưng vào ngày ra mắt ở Nhật, phim đã thu hút lượng khán giả kỳ cuối tuần công chiếu lớn nhất của năm.

Bạn giới thiệu bộ phim đầu tiên của Ghibli thế nào? Tất cả phim Ghibli đều rất hay. Giới phê bình nhất trí xung quanh hai phim, đều của Miyazaki: Spirited Away (2001), một câu chuyện ma hoa mỹ trong đó một cô gái học nghề ở một nhà tắm ma ám, và My Neighbour Totoro (1988), hai chị em cùng cha dọn về miền quê, và khám phá một nhóm nhỏ những sinh vật sống trong rừng cạnh nhà họ.

Cả hai phim này đã xuất hiện trong cuộc thăm dò ý kiến để tìm ra bộ phim hay nhất mọi thời đại của tạp chí Sight & Sound năm 2012. Một trong những phiếu bầu chọn của tác giả là dành cho Totoro: tác giả tin rằng đây là phim hoạt hình tinh tế nhất từng được làm, và mỗi lần tác giả xem lại thì phim càng phong phú hơn và tuyệt vời hơn.

Bộ phim là bức thư tình gửi đời sống của người Nhật ở thôn quê, và tìm thấy kỳ quan siêu nhiên trong tự nhiên giản dị: Totoro xuất hiện quay cuồng giữa một cơn bão, hay run lẩy bẩy trong cơn mưa đêm như trút nước, hoặc hong nắng trong bộng cây. Hai chị em tên Mei và Satsuki, cả hai cái tên đều có nghĩa là tháng 5, và một đêm kia hai cô cùng Totoro gieo hạt, cây cối vọt lên khỏi mặt đất trong một cơn bùng nổ sức sống mới.

Như phần lớn phim của Miyazaki, ở đây không có người hùng cũng không có kẻ xấu; trong bất cứ trường hợp nào, ông thấy sự phân chia này là giản đơn thái quá. “Phương Tây thường nghĩ sáng và tối là trái ngược: sáng là tốt còn tối là xấu,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1988, ngay sau khi Totoro mới phát hành. “Nhưng tôi không nghĩ sự đời có tính đối ngẫu kiểu đó. Đối với người Nhật nào không nghĩ theo cách ấy, thì thần tiên ở trong bóng tối.”

Những phép màu tự nhiên và thần tiên giấu mặt: gần ba thập kỷ sau khi hãng phim được thành lập, những điều này vẫn là bảo bối của Ghibli, và câu thần chú êm ái và kỳ lạ hơn bao giờ hết.

Dịch: Yên Khuê
Nguồn: The Telegraph

 

CÙNG LOẠI

19
Tháng 1

Phim ngắn “Anomalisa” phô bày kỹ xảo công phu của thể loại hoạt hình Stop motion.

Trong kỷ nguyên của ma thuật digital mà bất cứ điều gì cũng đều có thể, hoạt hình stop motion vẫn duy tri được thành tựu kỹ thuật đầy mê hoặc. Phim ngắn Anomalisa bởi đạo diễn Charlie Kaufman và Duke Johnson của hãng Paramount thể hiện rất nhiều kỹ…

02
Tháng 6

STOP MOTION LÀ GÌ?

Ngày nay, mọi người chắc hẳn không còn lạ lẫm với các khái niệm hoạt hình 2D, 3D. Thế nhưng, bên cạnh những hình ảnh sống động, những kĩ xảo đẹp mắt của những bộ phim hoạt hình hiện đại, vẫn còn tồn tại một thể loại phim hoạt hình…

15
Tháng 9

Hãng Ghibli có sử dụng đồ họa vi tính (Computer Graphics)?

Miyazaki đã từng hoài nghi về việc sử dụng vi tính trong làm phim anime. Một lần ông đã bình luận, “Tại sao chúng ta lại cần máy tính để làm điều mà bàn tay con người có thể?”